Với việc ngày càng có thêm nhiều lựa chọn phụ kiện, đa dạng tầm giá, mẫu mã và nhãn hiệu, người dùng ôtô tại Việt Nam có thể tùy biến chiếc xe theo ý thích. Một trong những món phụ kiện phổ biến đó là cốp nóc.
Cốp nóc tiện ích nhưng ẩn nhiều nguy hại cho xe
Không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc ôtô chạy trên đường được lắp thêm các phụ kiện này. Cốp nóc là một “món độ” khá phổ biến tại các quốc gia khác, đặc biệt là châu Âu và Mỹ. Phụ kiện này giúp người dùng có thêm dung tích chứa hành lý bằng cách tận dụng khoảng trống trên mui xe, tạo thành một cốp chứa đồ lý tưởng.
Đặc biệt là đối với các dòng xe crossover 5 chỗ hoặc 5+2, nếu muốn thực hiện hành trình trên 2 ngày với đủ người trên xe, đồng nghĩa khoang hành lý sẽ không đủ sức đáp ứng. Chính vì thế cốp nóc là một món phụ kiện hợp lý có thể giải quyết bài toán này. Ngoài ra, để tránh nội thất bị ám mùi khi chở thực phẩm, cốp nóc cũng là một giải pháp.
Cốp nóc có đa dạng mẫu mã, phù hợp với từng loại xe khác nhau, tầm giá từ 5 triệu đến 15 triệu đồng tùy vào chất liệu, thương hiệu… Những loại cốp này cũng được thiết kế giống như một vali lớn và khí động học để không ảnh hưởng đến xe trong quá trình di chuyển.
Lều cũng là một phụ kiện được gắn nhiều trên các mẫu xe gầm cao như SUV hay bán tải. Khi trào lưu du lịch dã ngoại bằng ôtô du nhập và ngày càng phát triển tại Việt Nam, lều kéo hoặc lều di động (Autohome) gắn trên mui cũng phổ biến hơn.
Bên cạnh những ưu điểm về mặt tiện nghi, những vật dụng như cốp nóc, giá nóc hay lều di động cũng có những hạn chế. Như việc khiến chiều cao của xe tăng đáng kể, gây khó khăn nếu đi qua những đoạn đường có giới hạn chiều cao ôtô, ảnh hưởng đến độ cân bằng của xe hoặc ảnh hưởng tính khí động học.
Trả lời về vấn đề này, chuyên gia ôtô Nguyễn Mạnh Thắng cho biết việc lắp thêm cốp hoặc lều kéo trên mui khiến xe thay đổi về kích thước và kết cấu so với đăng kiểm ban đầu.
“Các loại phụ kiện này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng vận hành và an toàn của xe. Nếu những linh, phụ kiện được hãng xe hoặc hãng tùy biến nghiên cứu, chế tạo riêng cho từng dòng ôtô sẽ tương thích tốt, có thể lắp đặt dễ dàng và chắc chắn, đồng thời không ảnh hưởng tới hệ số an toàn của xe”.
“Tuy nhiên, những linh, phụ kiện được độ, chế, không phải loại chuẩn dành riêng cho xe sẽ có nguy cơ bị rơi, hỏng trong quá trình sử dụng cao hơn, gây mất an toàn. Mặt khác, các phụ kiện này cũng ảnh hưởng tới tính khí động học, dẫn tới giảm hiệu năng vận hành và khả năng cách âm của xe”, chuyên gia cho biết.
Cũng đồng quan điểm trên, reviewer ôtô xe máy Lê Thượng Tiến cho biết việc gắn thêm cốp nóc, giá nóc hoặc lều trên ôtô là khá tiện ích, nhưng nó cũng có nhiều khuyết điểm.
“Đường sá Việt Nam chưa thực sự phù hợp cho việc gắn thêm phụ kiện trên mui ôtô, đặc biệt là đường trong đô thị. Những phụ kiện này làm thay đổi kích thước của xe, có thể dẫn đến những rắc rối ngoài ý muốn như vướng vào đường dây điện thấp hoặc những mái hiên xung quanh”, anh Tiến cho biết.
“Ngoài ra, đối với những mẫu xe không có sẵn giá nóc, nếu muốn lắp thêm phụ kiện người dùng bắt buộc phải khoan vào trần xe. Nếu làm không đúng cách có thể khiến rò rỉ nước vào trong cabin khi đi mưa. Những món phụ kiện này cũng có thể khiến trần xe bị gỉ sét”.
“Thông thường, nếu muốn gắn những món như cốp nóc hay lều, người dùng phải lắp thêm tấm chắn gió trên mui (Wind Deflector), nếu không nó sẽ phát ra tiếng hú khi xe di chuyển. Khuyết điểm cuối cùng là dù ít hay nhiều, những phụ kiện gắn thêm này cũng tác động một khối lượng nhất định lên xe, không đúng với kết cấu chịu lực, lâu ngày có thể gây ảnh hưởng xấu đến hệ thống treo”, anh Lê Thượng Tiến nhận định.
Người dùng mơ hồ khi chưa có quy định cụ thể
Chia sẻ nhận định về trang bị thêm thùng chở hàng hoặc phụ kiện trên nóc ôtô, người dùng Trí Nguyễn (Tân Phú, TP.HCM) cho rằng việc tận dụng baga không thay đổi kết cấu xe, kích thước thùng hàng cũng không quá to và ở nước ngoài loại trang bị này khá phổ biến vì tăng tính tiện dụng.
“Tôi mong luật sớm sửa đổi để phù hợp cho nhu cầu sử dụng chính đáng của người đi ôtô. Nếu sử dụng các loại thùng được sản xuất đúng quy chuẩn thì không gây nguy hiểm gì khi lưu thông, khác với kiểu cơi nới thân xe hay lắp thêm các loại khung chở hàng tự chế”, anh Trí nói.
Anh Nguyễn Nam, một người dùng Mitsubishi Pajero Sport (quận 1, TP.HCM) cho biết mẫu xe của anh được gắn thêm lều di động trên mui nhằm phục vụ mục đích đi dã ngoại của gia đình, ngoài ra nhiều bạn bè của anh cũng đã gắn thêm cốp nóc trên ôtô. Theo anh Nam, việc gắn thêm phụ kiện gây chút ảnh hưởng trong quá trình sử dụng.
“Phần lớn cửa hầm chung cư, hầm chui, hoặc gầm cầu trong nội ô TP.HCM đều có quy định chiều cao, nhưng không đồng nhất. Ví dụ như tại các tòa nhà, cửa hầm có quy định chiều cao 2,1 m. Chiếc xe của tôi sau khi gắn thêm lều có chiều cao dưới 2,1 m, nhưng cũng không dám mạo hiểm”, anh Nam cho biết.
Nói về việc xử lý vi phạm khi gắn phụ kiện trên mui xe, anh Nam cho biết chưa từng bị xử phạt vì lỗi trên: “Việc gắn lều hay cốp nóc gần như chưa có quy định cụ thể, chưa lần nào tôi bị xử phạt vì việc này, dù từng bị CSGT dừng xe kiểm tra”.
Chưa có quy định cụ thể về việc lắp cốp nóc
Các phụ kiện lắp bên ngoài xe không thay đổi kết cấu của xe nhưng đã làm thay đổi về tổng thành linh kiện, có thể làm các phương tiện dài hơn hoặc cao hơn so với thiết kế.
Theo điểm a khoản 9 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12 triệu đồng đến 16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe thực hiện hành vi tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền lực, hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế đã đăng kiểm.
Hiện tại việc lắp thêm giá nóc hoặc cốp nóc ôtô có bị xử phạt hay không vẫn còn là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Trung tá Tạ Thị Hồng Minh, Phó trưởng phòng Tuyên truyền hướng dẫn luật, Cục Cảnh sát giao thông giải đáp thông tin trên VOV Giao thông rằng các phụ kiện lắp bên ngoài ôtô không thay đổi kết cấu của xe, nhưng đã làm thay đổi về tổng thành linh kiện, có thể làm các phương tiện dài hơn hoặc cao hơn so với thiết kế. Điều này không đúng với các quy định của pháp luật hiện nay.
Trả lời Zing về vấn đề này, luật sư Trần Minh Hùng – Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: “Luật giao thông đường bộ tại khoản 2 Điều 55 quy định, chủ phương tiện không được thay đổi kết cấu, tổng thành của xe theo đúng thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế chế tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.
“Tuy nhiên, thực tế pháp luật chưa có những quy định rõ ràng về việc lắp thêm giá chở hàng, thanh chở hàng, giá nóc mà mới chỉ quy định chung chung về việc thay đổi hình dáng, kết cấu và nguyên lý hoạt động của xe. Việc lắp đặt các sản phẩm này trên xe là theo tiêu chuẩn quốc tế và sản xuất hợp pháp trên thế giới”.
“Theo tôi việc lắp đặt thêm các yếu tố phụ này không làm thay đổi chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ kỹ thuật của xe. Các cơ quan có thẩm quyền không nên áp dụng cầu kỳ trong việc các chủ xe lắp đặt thêm phần phụ này. Ngoài ra, nếu cho rằng vi phạm thì cũng cần có quy định cụ thể mới có căn cứ xử lý”, luật sư Trần Minh Hùng nhận định.